Trong vai một du học sinh Việt Nam đi xin việc, một phóng viên của đài SBS Australia mang theo trên mình một camera giấu kín để tác nghiệp. Cô gõ cửa nhiều nhà hàng tại phía tây và đông nam thành phố Melbourne, thuộc bang Victoria của Úc. Cô hỏi chuyện và bí mật ghi hình các quản lý và chủ người Việt để tìm hiểu “mức giá thị trường” cho tiền lương mà du học sinh Việt Nam được trả khi làm việc ở khu vực này.
- Du học và định cư tại Úc có gì hấp dẫn?
- Tham khảo chi phí du học Úc trước khi lên đường du học
- Du học Úc cần bao nhiêu tiền là đủ?
Lương bèo bọt trả cho đồng hương
Trong số gần 20 chủ nhà hàng và nhân viên mà phóng viên đài SBS Australia đã đến hỏi chuyện, không một ai chịu trả cho cô mức lương trên 10 AUD/giờ, trong khi mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ Úc là 17,70 AUD/giờ. Đoạn băng ghi hình của SBS Australia đã lột trần sự thật, nhiều nhân viên được yêu cầu phải làm việc đến 12 giờ mỗi ngày với mức lương bèo bọt chỉ 100 -130 AUD cho một ngày làm việc đó.
Theo các phóng viên SBS Australia, các cô thường được chủ lao động đồng hương đưa ra điều kiện là “trả tiền mặt” và “10 đồng (AUD) một giờ”.
Một quản lý nhà hàng ở St Albans tỏ ra ngạc nhiên khi nghe “người xin việc” cho biết cô có mức lương 17 AUD/giờ (mức lương tối thiểu theo luật định của Úc) ở những chỗ làm khác.
– “17 đồng hả? 17 đồng mà lương phục vụ anh đâu trả nổi 17 đồng” – Người quản lý này nói thẳng.
Một chủ nhà hàng Việt khác ở Sunshine đòi giữ một tuần lương của nhân viên như “tiền thế chân”. “Chú sẽ giữ lương con một tuần, tuần sau sẽ trả lương cho tuần trước đó, để tránh tình trạng làm vài bữa nghỉ” – Ông chủ nêu giải pháp của nơi mình quản lý.
Hỏi tiền lương là chuyện cấm kỵ
Rồi ông thẳng thừng từ chối nói ra mức lương, đến khi người đi xin việc tiếp tục hỏi về tiền lương, ông nổi giận từ chối không thuê cô nữa: “Nếu mà con hỏi thì chú không nhận đâu. Tại vì chú chưa biết con làm ra sao mà con hỏi lương thì chú không nhận!” Hỏi mức lương khi đi xin việc bỗng trở thành một điều gì đó… rất khó nói đối với các người chủ ở đây
Phóng viên SBS Australia tiếp tục hỏi lương một chủ nhà hàng Việt khác trong khu vực thì nhận được phản ứng: “Trời đất ơi, vô làm thử trước đi, con thử việc cái đi đã”. Theo nhóm phóng viên, cách trả lời mập mờ về lương của chủ nhà hàng hoặc người quản lý luôn như vậy vì họ biết có rất nhiều bạn du học sinh sang đầy cần việc để trang trải cuộc sống bên này.
Một quản lý đại diện nhà hàng niềm nở khi phóng viên hỏi lương: “em đừng có lo, cứ làm”. Nhiệt tình hơn là một nhân viên ở một cửa hàng khác còn nhắc khéo rằng: “Ở đây, đi xin việc cấm kỵ nhất là hỏi lương!”. Khi đài SBS quay trở lại với máy quay phim và phóng viên xin tác nghiệp công khai, câu trả lời của những chủ nhà hàng được hỏi xin việc trước đó hoàn toàn thay đổi.
Họ cho biết “chưa bao giờ nghe đến mức lương 10 AUD một giờ” hay là “không chắc nữa”. Thậm chí có chủ nhà hàng giờ đây khẳng định chỉ nhờ người trong gia đình làm việc, chứ không thuê mướn nhân viên từ bên ngoài. Đây là một cách lách luật cực kì phổ biến tại hầu hết những quốc gia có lệnh cấm đối với những du học sinh quốc tế đến học. Nhờ vậy những chủ nhà hàng hay quản lý này sẽ tiết kiệm được khoản tiền chi phí khá nhiều.
Đặc biệt, còn có một chủ nhà hàng thừa nhận đang trả cho nhân viên 9 AUD/giờ trước ống kính ghi hình và cố giải thích vì sao chỉ trả nhân viên được mức thù lao đó rằng: “Nếu tôi kinh doanh tốt, có nhiều khách hàng, kiếm được nhiều tiền thì tôi có thể trả cho nhân viên của mình nhiều hơn thế. Còn hiện tại thì không thể”.
Theo báo tuoitre.vn